Cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn các loại hàng giả, hàng không có nguồn gốc và thực phẩm kém chất lượng. Cần...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Khải
Lê Quang Sung, tên thật là Lê Đắc Thiềm, sinh năm 1908 tại làng Gia Hòa, xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên, Quảng Nam. Thuở thiếu thời ông học rất giỏi nên năm 1924 thi vào Trường Quốc học, Huế. Tại đây ông tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp của học sinh, sinh viên, bị địch đàn áp nên năm 1927 ông phải nghỉ học về Đà Nẵng tìm gặp ông Đỗ Quang và Đỗ Quỳ (em ruột Đỗ Quang) thành lập Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên tại Đà Nẵng. Cuối năm 1929 ông được cử đi học lớp huấn luyện do Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Thái Lan tổ chức. Sau 3 tháng học tập, ông trở về Đà Nẵng mở lớp bồi dưỡng chính trị do chính ông soạn thảo nội dung và trực tiếp giảng bài, cùng với Đỗ Quỳ sao, in hàng trăm đầu sách để vận động, tuyên truyền đấu tranh chống Pháp xâm lược. Bọn mật thám liên tục truy lùng ông và những người tham gia trong tổ chức này rất gắt gao nên năm 1929, ông cùng với Đỗ Quỳ chuyển vào Sài Gòn. Lê Quang Sung xin được chân làm tại Hãng FACI, một cơ sở sửa chữa tàu biển có hàng ngàn công nhân đang làm việc. Vừa lao động, ông vừa thành lập Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được cử làm Chánh Thư ký Tổng công hội đỏ của Hãng FACI, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của công nhân. Sau đó không lâu, ông được tham gia cuộc họp do Châu Văn Liêm, Bí thư Kỳ bộ Việt Nam cách mạng đồng chí hội phổ biến chủ trương của Kỳ bộ sẽ chuyển tổ chức này thành An Nam cộng sản Đảng. Tại cuộc họp này, Lê Quang Sung được xem là một trong những người đầu tiên gia nhập tổ chức An Nam cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Nhà lưu niệm chí sĩ Lê Quang Sung tại thôn Gia Hòa.
Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức đã hợp nhất thành lập tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được cử tham gia Xứ ủy viên Nam kỳ. Lúc này ông Châu Văn Liêm làm Bí thư liên tỉnh Chợ Lớn-Gia Định bị địch bắt rồi sát hại dã man nên Xứ ủy Nam kỳ điều động Lê Quang Sung thay cho Châu Văn Liêm hy sinh phụ trách địa bàn Chợ Lớn. Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, đầu tháng 11-1930, Tỉnh ủy Chợ Lớn tổ chức họp phiên đầu tiên để bầu Ban chấp hành gồm 5 thành viên, Lê Quang Sung được Hội nghị bầu chức Bí thư Tỉnh ủy và trở thành người Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn. Năm 1931, Lê Quang Sung bị địch bắt giam tại Khám Lớn, Sài Gòn cùng với các ông Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Huỳnh Quảng, Nguyễn Thị Nhỏ... Trong xà lim, Lê Quang Sung cùng với anh em bị bắt giam liên tục đấu tranh chống chế độ hà khắc tàn bạo của thực dân Pháp, đòi tự do dân chủ, luôn giữ vững phẩm giá, khí tiết chân chính của người cộng sản. Phiên tòa của thực dân Pháp mở từ ngày 2 đến 7-5-1933 tại Sài Gòn để đưa 120 người cộng sản yêu nước bị chúng bắt giữ ra xét xử công khai. Nhà cầm quyền Pháp gọi đây là vụ án "Đảng cộng sản Đông Dương" và tuyên phạt 8 án tử hình, trong đó có Lê Quang Sung, 19 án chung thân, khổ sai, 93 án từ 5 năm đến 20 năm tù. Vụ án được báo chí lúc bấy giờ tốn khá nhiều giấy mực, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, nhất là ở Pháp. Các luật sư tiến bộ tham dự phiên tòa, nhất là luật sư Cancellieri đã cực lực tố cáo nhà cầm quyền Pháp cố tình làm sai luật của nước Pháp, bênh vực các nhà cộng sản. Đảng Cộng sản Pháp cũng mở cuộc vận động đòi hủy bỏ các bản tử hình nên chúng buộc phải mở phiên tòa để xét xử lại, hạ các án tử hình xuống chung thân. Tháng 1-1934, Lê Quang Sung cùng với các ông Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp... bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, Lê Quang Sung tiếp tục sinh hoạt Chi bộ khám Chỉ Tồn với các ông Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Đây là chi bộ đầu tiên ở Côn Đảo được thành lập vào năm 1932. Ở trong ngục tù của giặc thù nhưng chí khí và ngọn lửa thiết tha yêu nước của những người cộng sản vẫn rực cháy khôn nguôi. Để có cơ hội tiếp tục hoạt động, cuối năm 1934, Chi bộ khám Chỉ Tồn bí mật các cuộc họp bàn tính đưa người trở về đất liền lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Tuy kế hoạch cuộc vượt ngục được chi bộ triển khai khá chặt chẽ nhưng chiếc bè nhỏ nhoi lênh đênh trên biển cả mênh mông không thể chống chọi nổi với cơn bão lớn dữ dội đang ập đến. Chiếc bè vượt ngục bị chìm, Lê Quang Sung, Ngô Gia Tự, Tô Chấn cùng một số cán bộ khác mãi mãi nằm lại với biển khơi...
Nhà cộng sản yêu nước, người con của xứ Quảng Lê Quang Sung ra đi khi mới 26 tuổi đời, đang hừng hực bầu nhiệt huyết về sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, mang theo những hoài bão, khát khao về nền độc lập, tự do cho nước nhà. Tuy cuộc đời và sự cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Lê Quang Sung ngắn ngủi nhưng ông đã góp phần to lớn trong việc gieo hạt, ươm mầm cho phong trào cách mạng từ buổi ban đầu. Và chính ông cũng là người đặt nền móng cho việc thành lập chi bộ Tân Mỹ Đông ngay tại quê nhà, sau này là Đảng bộ phủ Duy Xuyên. Hiện nay tên tuổi của ông đã được khắc vào bia tưởng niệm ở Đền liệt sĩ Bến Dược. Nhiều địa phương trong cả nước đã có những con đường, mái trường mang tên ông. Tháng 9-2011, Huyện ủy Duy Xuyên, Quảng Nam và gia tộc Lê Quang xây dựng nhà tưởng niệm ông bên con đường ven sông Thu Bồn tại thôn Gia Hòa, mảnh đất anh hùng của xứ Quảng đã sinh ra người cộng sản kiên cường, bất khuất Lê Quang Sung.