Ngày 16/3/2016, tờ RBTH – một ấn phẩm của hãng truyền thông Rossiyskaya Gazeta (Nga) có bài viết với tiêu đề “Liên Xô đã giúp Việt Nam tái thiết thời hậu chiến như thế nào”. Bài báo đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Liên bang Xô viết và Việt Nam kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1950) đến nay và nhấn mạnh đến tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Liên minh kinh tế Á – Âu (2015).
Adolf Hitler phát biểu trước 80.000 công nhân tại Đức mừng Ngày Lao động năm 1936. Ảnh: AP
Chính sách tư nhân hóa – cấu kết giữa Đảng quốc xã với nhóm tư bản thân hữu
Về mặt hình thức, Đức chuyển quyền sở hữu nhà nước ở nhiều công ty, doanh nghiệp sang khu vực tư nhân. Nhưng thực chất quyền kiểm soát của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế được đảm bảo thông qua các quy định khác nhau. Các chủ tư nhân được quyền kiểm soát người lao động, chế độ việc làm và lương bổng. Chính phủ nhận được đóng góp từ 17 nhóm doanh nghiệp khác nhau. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ chính quyền Hitler trong thời kì chiến tranh và thu lợi từ việc đàn áp người Do Thái. Đó là biểu hiện rõ nét của việc câu kết giữa chính quyền và các tập đoàn lớn để bóc lột người dân.
Các công ty được chuyển giao thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như thép, khai mỏ, ngân hàng, nhà máy đóng tàu, đường tàu, đường sắt. Đảng Quốc xã lập ra một loạt tổ chức để thâu tóm những lợi ích mà trước đây thuộc người dân. Mặt trận Lao động Đức (Deutsche Arbeitsfront - DA) để giám sát việc đào tạo nghề hay kiểm tra tình trạng các nhà máy, điều kiện làm việc. Trước năm 1933, phúc lợi xã hội thuộc chính quyền địa phương, nhưng sau được chuyển giao một phần cho Tổ chức phúc lợi nhân dân xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialistische Volkswohlfahrt - NSV). Kinh phí của NSV lấy từ thu nhập của người lao động có việc làm và các khoản thu gần như bắt buộc từ nông dân, người sử dụng lao động và tầng lớp trung lưu.
Như vậy, chương trình tư nhân hóa của chính phủ Hitler thực chất là chuyển giao quyền lực và lợi ích của nhà nước, người dân sang các tổ chức của Đảng Quốc xã, làm lợi cho một nhóm tư bản phản động hiếu chiến.
Kế hoạch 4 năm (1936 – 1940) – quân sự hóa nền kinh tế
Kế hoạch 4 năm, được gọi là “Autarky”, là tổng hợp các biện pháp kinh tế được khởi xướng vào năm 1936, do Hermann Göring chịu trách nhiệm thực hiện với mục đích là cung cấp nguồn lực cho việc tái vũ trang và tự cung tự cấp trong giai đoạn 1936 - 1940. Kế hoạch hướng tới mục tiêu thay thế việc nhập khẩu các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, cao su, thép và kim loại hiếm bằng phương pháp sản xuất tổng hợp và khai thác hiệu quả các quặng chất lượng thấp hơn. Nó cũng chủ trương đẩy mạnh mở rộng “không gian sống” ở phía đông, tức xâm lược để cướp bóc lương thực và các tài nguyên thô.
Kế hoạch 4 năm ra đời khi Đức gặp khủng hoảng nông nghiệp, thiếu nguồn dự trữ nguyên nhiên liệu cần thiết để tái vũ trang và chuẩn bị chiến tranh. Đức cố gắng khắc phục bằng cách khai thác quặng sắt cấp thấp và thay thế dầu công nghiệp bằng các nhiên liệu tổng hợp nhưng không hiệu quả. Đức theo đuổi chính sách phát triển công nghiệp quân sự và không tập trung sản xuất hàng tiêu dùng, nên dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực, dẫn tới nguy cơ lạm phát và buộc phải có một kế hoạch để điều chỉnh.
Kế hoạch 4 năm được chia làm ba giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu từ mùa thu năm 1936 đến mùa hè năm 1938, chủ yếu tập trung vào việc mở rộng cơ sở nguyên liệu thô, cải tiến kỹ thuật và cải cách nông nghiệp. Giai đoạn hai từ hè 1938 đến tháng 8-1939 và tập trung các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất và kim loại nhẹ, vật liệu trang bị vũ khí. Giai đoạn ba từ tháng 9-1939 đến năm 1940, nhưng thực tế kéo dài đến năm 1942, với vai trò chính của công nghiệp hóa chất, đặc biệt là IG Farben.
Kết quả phát xít hóa nền kinh tế Đức qua các chính sách trên
Những chính sách trên đầy tiêu cực, bất bình đẳng, phục vụ mục tiêu quân sự hóa, lợi ích của một nhóm nhỏ tư bản; đóng vai trò lớn trong việc giúp Hitler chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Số người không có việc làm đã giảm liên tục, từ 5,6 triệu năm 1932 xuống còn 2,7 triệu năm 1934. Đến năm 1939, chỉ còn 0,4 triệu người thất nghiệp trong danh sách của chính phủ. Tuy nhiên, chính sách việc làm này hướng tới mục tiêu chuẩn bị cho hoạt động tái vũ trang trong chính sách đối ngoại chứ không thực sự đem lại những lợi ích và quyền lợi cho người dân Đức. Những kết quả được “tổng kết” đó chưa hoàn toàn là con số thực về tình trạng lao động của nước Đức bởi việc gạt phụ nữ, người Do thái và một bộ phận dân nhập cư khác khỏi hệ thống lao động làm giảm tỉ lệ tính toán thất nghiệp, nhưng thực tế là đời sống của nhóm người này lại chịu ảnh hưởng nặng nề và không được cải thiện do mất việc làm.
Bên cạnh đó, chính sách “tư nhân hóa” của Đức quốc xã đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế nói chung và hoạt động tái vũ trang của Đức nói riêng. Chính sách này đã củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa chính phủ và các doanh nghiệp, giúp huy động thêm ngân sách, giảm chi tiêu của chính phủ để tập trung quân sự hóa. Tư nhân hóa cũng đem lại lợi ích cho nhóm tư bản đầu sỏ hỗ trợ những mục tiêu của Đức quốc xã. Nó đảm bảo vị thế kinh tế của chủ tư bản với mục đích nhằm vận động sự ủng hộ chính trị từ giới này cho sự cai trị và tồn tại của chính quyền quốc xã.
Ngoài ra, kế hoạch 4 năm góp phần chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết cho Đức trước chiến tranh với một sức mạnh vượt trội so với các nước châu Âu tư bản khác. Từ 1936 đến 1938, sản lượng than tăng 18%, than cốc tăng 22%, nhôm tăng 70%, dầu mỏ tăng đến 63%. Đặc biệt, IG Farben được ưu tiên đầu tư để sản xuất xăng dầu tổng hợp với kết quả tăng 69% (1937-1939). Sợi nhân tạo được sản xuất để thay thế bông và len làm quân phục trong quân đội: Trong năm 1939 có tới 43% quân phục được làm từ sợi nhân tạo. Đến năm 1942, Xenluloza đã đạt 206% và thuốc nổ đạt 135% so với kế hoạch. Nhưng các sản phẩm chính khác trong kế hoạch như dầu mỏ, nhôm, cao su nhân tạo, đồ kim loại đều không đạt mục tiêu. Kết quả đó cho thấy dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tự cung tự cấp nguyên nhiên liệu, Đức vẫn chưa thoát khỏi sự phụ thuộc đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nguyên liệu thô từ bên ngoài. Đến năm 1942, Đức mới có thể đảm bảo nhu cầu nguyên nhiên liệu chiến tranh bằng cách xâm lược, cướp đoạt từ các nước Đông Âu.
Quá trình phát xít hóa nền kinh tế mà Hitler và Đức quốc xã thực hiện trong giai đoạn 1933-1939 phản ánh sự thay đổi từng bước mục tiêu chiến lược về kinh tế, chính trị, đối ngoại của Hitler. Trong giai đoạn đầu, khi mà tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát tăng cao, Đức tập trung vào giải quyết việc làm, cung cấp “bánh mỳ” cho người dân dù điều kiện làm việc không được cải thiện để tạo ra cơ sở ủng hộ đối với chính phủ mới. Sang giai đoạn sau, khi Đức tổng động viên quân đội và tái vũ trang năm 1935 thì các chính sách hướng đến quân sự hóa.
Kế hoạch 4 năm được thực hiện để phục vụ tái vũ trang dưới sự lãnh đạo của tướng Hermann Göring. Chỉ trong vòng 7 năm ngắn ngủi, Đức đã có sự chuyển đổi khá nhanh chóng các chiến lược, chính sách. Nhưng cũng phải thấy rằng dù ban đầu chính sách kinh tế thiên về tạo việc làm, nhưng các ngành như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp ô tô, hóa chất, luyện kim vẫn luôn được coi trọng vì đó là những ngành có thể dễ dàng chuyển sang mục tiêu quân sự.
Với chính sách phát xít hóa, kinh tế Đức tồn tại nhiều hạn chế, mâu thuẫn. Nền kinh tế phục hồi trong thời gian tương đối ngắn, và chưa thực sự có thể giúp Đức tự đứng vững trước những thách thức lớn. Sự khôi phục tưởng chừng là “phép màu”, nhưng lại hàm chứa nhiều yếu tố giả tạo, tiêu cực khi đời sống người dân bị bót nghẹt trong chế độ quân sự hóa. Việc Đức tiến hành chiến tranh xâm lược các nước Đông Âu và Liên Xô là một bước tiếp theo của quá trình phát xít hóa kinh tế.
TS TRẦN NGỌC DŨNG - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh